(Mic.gov.vn) - 

12 tỉnh bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng và Ninh Thuận (từ nhóm II chuyển sang) sẽ thực hiện tắt sóng truyền hình analog vào ngày 31/12/2018.


Theo tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình, năm 2018 các tỉnh thuộc nhóm III của Đề án Số hóa truyền hình sẽ thực hiện số hóa truyền hình số mặt đất theo lộ trình, bao gồm 12 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng và Ninh Thuận (từ nhóm II chuyển sang). Các tỉnh này sẽ thực hiện tắt sóng truyền hình analog vào ngày 31/12/2018.

Trước đó, 6 tỉnh thuộc nhóm III của Đề án đã thực hiện số hóa truyền hình trước thời hạn 1 năm là Bình Phước, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, 7 tỉnh nhóm III này đã tắt sóng truyền hình analog vào ngày 31/12/2017 vừa qua. Riêng Tây Ninh sẽ tắt sóng trong quý 1 năm 2018.

Để chuẩn bị cho việc tắt sóng truyền hình analog tại 12 tỉnh, từ nay đến cuối năm 2018, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất toàn quốc và khu vực có trách nhiệm triển khai và hoàn thành việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại các tỉnh thuộc nhóm III để chuyển tải các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của các đài truyền hình trung ương và địa phương trên địa bàn.

Căn cứ vào tình hình triển khai hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình, các đài truyền hình trung ương và địa phương thực hiện việc phát sóng song song các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất và truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh thuộc nhóm III.
Ads by AdAsia

Trước ngày 31/12/2018 các đài truyền hình Trung ương và địa phương kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại các tỉnh thuộc nhóm III. 

Năm 2018, Đề án số hóa truyền hình chính thức bước vào một giai đoạn khó khăn hơn khi thực hiện số hóa truyền hình ở những tỉnh có địa hình phức tạp, đồi núi, ảnh hưởng tới việc triển khai hạ tần truyền dẫn phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2. Do đó, hiện nay Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình đã tính đến phương án sẽ chỉ phủ sóng truyền hình số mặt đất ở những địa bàn đông dân cư, bằng phẳng. Còn những địa bàn đồi núi, khó phủ sóng truyền hình số mặt đất sẽ số hóa bằng truyền hình vệ tinh và thực hiện hỗ trợ đầu thu vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo ở các khu vực khó khăn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Cục Tần số Vô tuyến điện vào chiều ngày 19/12/2017, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải yêu cầu, Cục Tần số Vô tuyến điện phải chủ trì phối hợp với các địa phương thuộc nhóm 3 và nhóm 4 sẽ thực hiện số hóa truyền hình trong giai đoạn tiếp theo để xác định rõ các xã, thôn cần triển khai hỗ trợ đầu thu vệ tinh. Đây là việc cần làm sớm để có thể đưa ra kế hoạch chi tiết để triển khai số hóa truyền hình trong thời gian tới.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho rằng, việc xác định danh mục cần hỗ trợ đầu thu vệ tinh phải được tính toán một cách chi tiết. Nhà nước không thể đủ kinh phí hỗ trợ đầu thu vệ tinh cho toàn bộ các tỉnh miền núi, mà ở những khu vực có thể phủ sóng truyền hình số mặt đất vẫn triển khai hỗ trợ đầu thu DVB-T2. Đầu thu vệ tinh chỉ hỗ trợ ở những xã, thôn không thể phủ sóng truyền hình số mặt đất.

 

Theo Đình Anh - ICTNews